Google Console: Google ads: Google Tag Manager: Google Analytics
  • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Quy hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Tin Thị Trường
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức
    • Du Lịch Giải Trí

Phân lô tách thửa đất là gì? Điều kiện, thủ tục tách thửa đất Phú Quốc

Cập Nhật: 9/9/2021 | 2:17:43 PM

Nhu cầu tách một thửa đất lớn thành nhiều thửa đất nhỏ để bán, chuyển nhượng hoặc tặng cho diễn ra ngày càng nhiều. Vậy, phân lô tách thửa đất là gì? Các thông tin liên quan đến tách thửa đất Phú Quốc mà các nhà đầu tư nên biết sẽ có trong bài viết dưới đây.

Phân lô tách thửa đất là gì?

Phân lô tách thửa là hình thức chia ra thành nhiều lô đất có diện tích nhỏ khác nhau từ một lô đất có diện tích lớn, tùy thuộc vào mục đích của người làm thủ tục tách thửa sẽ tách thửa theo diện tích khác nhau nhưng phải đáp ứng được quy định về tách thửa của pháp luật. Lưu ý phân lô tách thửa đất khác với phân lô đất nền dự án.

Việc tách thửa phải được thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật.

Quy định diện tích tối thiểu được tách của một số loại đất tại Phú Quốc mới nhất

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, ngày 16/08/2021, QUYẾT ĐỊNH về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa với từng loại hình đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang – Chủ tịch Lâm Minh Thành đã ký.

Như vậy, một số quy định trên địa bàn thành phố Phú Quốc sẽ là:

1. Diện tích đất ở đô thị sau tách thửa tối thiểu 36m2

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Quyết định số 11 quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Tại Quyết định này, loại đất được tách thửa, hợp thửa sẽ được xác định theo mục đích sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận).

Theo đó, điều kiện để được tách thửa đất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như thửa đất không có tranh chấp, trừ trường hợp thửa đất có một phần diện tích có tranh chấp thì được tách thửa đối với phần diện tích không tranh chấp nhưng phần diện tích còn (bao gồm cả diện tích tranh chấp và không tranh chấp) phải đảm bảo diện tích tối thiểu tách thửa theo Quyết định này; quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.

Diện tích thửa đất tách thửa chưa có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thầm quyền theo quy định của pháp luật đất đai. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa tương ứng của từng loại đất tại Quyết định này.

Cụ thể, đối với đất ở, diện tích tối thiểu được tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 54m2, đối với đất ở tại đô thị là 36m2, diện tích này không bao gồm diện tích hành lang an toàn giao thông, đường thuỷ, đê điều (nếu có).

Ngoài ra, nếu thửa đất tiếp giáp với đường giao thông, đường thủy, đê điều thì chiều rộng mặt tiền thửa đất và chiều dài các cạnh tiếp giáp cạnh mặt tiền của thửa đất không được nhỏ hơn 4m. Nếu thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông, đường thủy, đê điều thì chiều rộng và chiều dài của thửa đất không được nhỏ hơn 4m.

Trong trường hợp tách thửa trong các dự án khu dân cư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 thì diện tích tách thửa thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.

2. Quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp tại Phú Quốc

Theo Quy định mới này, đối với đất phi nông nghiệp (trừ đất ở), diện tích tối thiểu được tách thửa sẽ được chia làm hai loại.

Thứ nhất, đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt và phải đảm bảo không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

Thứ hai, đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích tối thiểu được tách thửa là 500m2 đối với đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Các loại đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) còn lại, bao gồm cả đất thương mại, dịch vụ là 300 m2.

Đất Phú Quốc được phân lô tách thửa trở lại sau gần 2 năm tạm dừng

Đối với đất nông nghiệp Phú Quốc, diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng được quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp là đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác) ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 600m2. Các huyện còn lại là 1.000m2. Ở Khu vực nông thôn (xã) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 1.000m2. Các huyện còn lại là 2.000m2.

Trường hợp là đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc được 300 m2. Các huyện còn lại là 500m2. Ở khu vực nông thôn (xã) thì thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là 500m2. Các huyện còn lại là 1.000m2. Đối với đất nuôi trồng thủy sản thì ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) là 1.000m2. Các khu vực nông thôn (xã) là 2.000m2.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/8/2021 và thay thế Quyết định số 16 ngày 16/7/2019 trước đó.

Hồ sơ và thủ tục phân lô tách thửa bạn nên biết

Bạn đã biết phân lô tách thửa là gì? Vậy bạn đã biết để tách thửa nhanh chóng cần chú ý điều gì không? Đó chính là cần phải tìm hiểu về hồ sơ và thủ tục về việc tách thửa đất thật cẩn thận. Sau đây là những chia sẻ hữu ích về việc chuẩn bị hồ sơ và các bước thủ tục tách thửa.

1. Hồ sơ tách xin thửa cần những gì?

Hồ sơ để xin tách thửa được quy định rất rõ ràng trong thông tư 24/2014/TT của Bộ tài nguyên và môi trường. Thông tư 24 này có nội dung như sau:

“Điều 9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất:

a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK;

b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.”

Theo thông tư này ghi rõ, nếu muốn xin tách thửa đất cần lập hồ sơ xin tách thửa. Hồ sơ xin tách thửa bao gồm đơn đề nghị được tách thửa đất của mình theo mẫu và bản gốc của giấy chứng nhận về mảnh đất cần tách thửa.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa

Trình tự và thủ tục để thực hiện việc tách thửa đất bao gồm 3 bước. Mỗi bước đều có trách nhiệm, nghĩa vụ của cả người dân và cơ quan có thẩm quyền. Các bước quy định về trình tự thủ tục tách thửa cụ thể như sau:

Bước 1:

Nếu có nhu cầu xin tách thửa cần làm hồ sơ theo mẫu tại điều 9, thông tư 24 như trên sau đó nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan có thẩm quyền ở đây cụ thể là phòng đăng ký đất đai cấp quận hoặc huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra còn có cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.

Các hộ gia đình, cá nhân cũng có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân cấp xã. Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm chuyển hồ sơ xin tách thửa của dân đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Lưu ý 3 ngày làm việc ở đây không tính ngày nghỉ lễ hay thứ 7, chủ nhật.

Bước 2: 

Khi văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa của công dân sẽ thực hiện các công việc sau:

  • Đo đạc địa chính mảnh đất xin tách thửa để chia tách thửa đất theo nhu cầu hợp pháp của người dân.
  • Lập hồ sơ xin chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất mới được tách thửa cho người sử dụng. Hồ sơ này sẽ được trình lên cơ quan có thẩm quyền về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Cập nhật những thay đổi và hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 3:

Văn phòng đăng ký đất đai trao giấy chứng nhận quyền sở hữu đất mới được tách thửa cho người được cấp hoặc gửi lại Ủy ban Nhân dân cấp xã đối với trường hợp nhận hồ sơ từ Ủy ban cấp xã. Nếu công dân nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai sẽ đến văn phòng theo lịch hẹn để lấy giấy chứng nhận. Nếu trường hợp công dân nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân xã, sẽ đến Ủy ban xã để lấy giấy chứng nhận.

Hy vọng sau bài viết trên bạn đã hiểu rõ phân lô tách thửa là gì? Nếu có thắc mắc hãy truy cập trang web bdsphuquoc.net.vn để biết thêm thông tin.

(Nguồn: BDS Phú Quốc)

Bình luận
  • Quảng cáo phải tin tức
Thiết kế © 2021 bdsphuquoc.net.vn
0902266769
Google Ads: Google Tag Manager: