Google Console: Google ads: Google Tag Manager: Google Analytics
  • Tin Thị Trường
    • Quy hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Tin Thị Trường
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức
    • Du Lịch Giải Trí

Doanh nghiệp địa ốc chạy đua mở rộng quỹ đất

Cập Nhật: 1/3/2022 | 12:26:28 PM

Dự báo thị trường bất động sản sẽ hồi phục tốt sau 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang tiến hành mở rộng, thâu tóm quỹ đất làm dự án.

Hàng loạt quỹ đất được thâu tóm làm dự án

Hồi cuối tháng 1, biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City) đã chính thức được ký kết giữa hai bên là tập đoàn Nova Group và lãnh đạo tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Được biết đây là dự án thuộc địa bàn thị xã Tân Châu và huyện Hồng Ngự, với ý tưởng phát triển Thành phố thông minh gồm 11 dự án thành phần, tổng quy mô hơn 13.000 ha.

Cũng vào cuối tháng 1, Công ty CP Sacom - Tuyền Lâm cho biết nguyện vọng được tiếp cận thông tin, tài trợ lập quy hoạch khu đô thị du lịch tại hai xã Lộc Phát và Đạm B'ri, TP. Bảo Lộc. Theo đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án có quy mô 1.034,5 ha.

Đầu tháng 2 vừa qua, Tập đoàn FLC cho biết dự kiến xây khu đô thị tại xã Tân Nhựt và Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Dự án có quy mô 1.154 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng. Cũng theo thông tin từ đơn vị này, trong năm nay, FLC còn triển khai hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, đến Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên...

Quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm, nhiều doanh nghiệp có xu hướng mở rộng về các tỉnh thành vùng ven, xa trung tâm. Ảnh minh họa

Ngoài mở rộng quỹ đất làm dự án tại các tỉnh, thành tiềm năng, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc mua bán thâu tóm dự án và quỹ đất. Đơn cử, mới đây, Tập đoàn Novaland đã mua lại dự án Kenton Node tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). Kenton Node là dự án của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, có tổng diện tích 9,1ha, quy mô 9 block gồm 1.640 căn hộ.

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức hiện đang thương thảo với một số đối tác để tìm kiếm quỹ đất tại TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận và Cần Thơ. Dự án mà Thủ Đức House nhắm đến đều có quy mô khá lớn, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Một ông lớn địa ốc khác là Vinhomes cũng cho biết, năm nay sẽ bắt đầu đẩy mạnh phát triển những trung tâm mới từ vài trăm đến vài nghìn hecta như Vinhomes Dream City (460ha), Vinhomes Wonder Park (133ha), Vinhomes Cổ Loa (385ha), Vinhomes Hạ Long Xanh (4.110ha), Vinhomes Long Beach Can Gio (2.870ha)…

Dự kiến cuối năm nay và đầu năm sau, ông lớn này sẽ tung rổ hàng thuộc những phân khu đầu tiên của Vinhomes Hạ Long Xanh (Quảng Ninh) và Vinhomes Long Beach Can Gio (TP.HCM). Bên cạnh đó, sau khi xong thủ tục, Vinhomes cũng sẽ khởi công tiếp dự án Galaxy, dự án Giảng Võ...

Câu chuyện phía sau...

Việc doanh nghiệp đẩy mạnh thâu tóm quỹ đất cùng với các thương vụ M&A đã được các chuyên gia dự báo trước đó. Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam giải thích nguyên nhân là do các ông lớn, mạnh về tài chính muốn rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể khi mà quỹ đất đang dần cạn kiệt. Hơn nữa, sau 2 năm dịch bệnh, không ít doanh nghiệp tổn thất nặng nề, không đủ sức để phát triển các dự án dang dở, phải chấp nhận sang nhượng cho những doanh nghiệp "khỏe mạnh" hơn.

Việc mở rộng quỹ đất làm dự án của các doanh nghiệp nhìn về mặt tích cực cho thấy thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành đang ngày càng phát triển mạnh. Đây cũng chính là cơ hội giúp các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, bao gồm cả việc thu hút các doanh nghiệp làm dự án bất động sản, từ đó góp phần kiến tạo và chỉnh trang đô thị. Diễn biến này sẽ giúp nhiều khu vực vùng ven, xa trung tâm có cơ hội phát triển hạ tầng, kết nối vùng và có giá bất động sản tăng cao hơn.

Hệ lụy của việc bành trướng quỹ đất là nhiều dự án để hoang nhiều năm không triển khai gây lãng phí. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng xác nhận mối quan ngại khi các doanh nghiệp bành trướng quỹ đất. Cụ thể, trao đổi trên VnExpress, ông Trần Khánh Quang, cho rằng việc doanh nghiệp công bố tham vọng lập các siêu dự án trong khi chỉ mới khảo sát, đánh giá tiền khả thi và chưa hoàn tất pháp lý chính là cái cớ để các nhóm đầu tư vin vào, đẩy giá bất động sản lên cao. Trước đây thị trường đã nhiều lần chứng kiến sốt đất ảo xảy ra tại những địa phương công bố thông tin về các dự án "khủng" sắp triển khai.

Hệ lụy thứ hai sẽ xảy ra khi doanh nghiệp không đủ năng lực triển khai siêu dự án. Cụ thể, những người dân nơi có đất làm dự án có thể gặp khó do vướng qui hoạch treo. Hệ lụy thứ ba, là nguy cơ sốt đất, giá đất bị đẩy cao bất thường trước các thông tin triển khai dự án lớn trên địa bàn, khiến địa phương nơi có dự án gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngoài việc bành trướng quỹ đất, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chạy đua phát hành trái phiếu. Trong hai năm qua, khi nhiều dự án gặp khó khăn về thủ tục, dịch bệnh không thể bán hàng, các doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu, kinh doanh cổ phiếu. Việc công bố liên tục về các quỹ đất triển khai dự án có thể cũng nằm trong lộ trình tăng giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Do đó, đối với người mua, nhà đầu tư tham gia thị trường, cần hết sức thận trọng trước các thông tin triển khai dự án mới để tránh mắc kẹt dòng vốn khi dự án không triển khai như dự kiến.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang khuyến nghị không nên công bố quá sớm hoặc tràn lan thông tin về dự án, cần được chính quyền địa phương rà soát thông tin thận trọng khi tiếp cận thông tin hay khảo sát tiền khả thi cho các dự án quy mô lớn.

Đối với địa phương, nơi có quỹ đất triển khai dự án về mặt chính sách nên có các chế tài mạnh với những doanh nghiệp chỉ đầu cơ gom đất nhưng không xây dựng. Điều này giúp tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng tin tức quy hoạch để thổi giá đất, gây sốt ảo, tác động tiêu cực lên thị trường địa ốc và cả nền kinh tế.

Bình luận
  • Quảng cáo phải tin tức
Thiết kế © 2021 bdsphuquoc.net.vn
0902266769
Google Ads: Google Tag Manager: