Google Console: Google ads: Google Tag Manager: Google Analytics
  • Tin Thị Trường
    • Quy hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Tin Thị Trường
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức
    • Du Lịch Giải Trí

Chủ condotel đua bán cắt lỗ; shophouse, biệt thự biển thanh khoản ảm đạm

Cập Nhật: 25/6/2021 | 8:57:57 AM

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường, nhiều chủ sở hữu condotel đua bán cắt lỗ, shophouse và biệt thự biển thanh khoản ảm đạm...

Bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm, văn phòng cho thuê thay đổi linh hoạt (ảnh minh hoạ).

Bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm

Theo khảo sát của Bdsphuquoc.net.vn, tại Nha Trang, nhiều condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 300 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn chấp nhận cắt lỗ 400-500 triệu đồng cũng chưa có người mua.

Tại Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/căn.

Còn theo báo cáo thị trường bất động sản của DKRA Việt Nam vừa được công bố, việc thanh khoản nhà phố và shophouse biển sa sút do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Theo đó, tháng 5, nhà phố và shophouse biển cung cấp ra thị trường 193 căn, nhưng chỉ tiêu thụ được 81 căn, thanh khoản giảm 84% so với tháng 4/2021. Cụ thể, nguồn cung sụt giảm so với tháng trước và tập trung chủ yếu ở Phú Quốc, Khánh Hòa và Bình Thuận. Sức cầu chung toàn thị trường ở ngưỡng thấp trong suốt tháng đại dịch bùng phát trên diện rộng.

Tương tự, biệt thự biển cũng ghi nhận mãi lực thấp trong tháng 5. Rổ hàng phân khúc này có 116 căn chào bán mới nhưng chỉ tiêu thụ được 22 căn, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 19%. Nguồn cung mới của loại hình biệt thự biển khá hạn chế, tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc.

"Việc dịch bệnh tái bùng phát khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn, đa số tổ chức ráp căn online (bán trực tuyến). Nguyên nhân sức tiêu thụ thấp được lý giải là do giá bán loại tài sản này khá cao, khiến sức mua khiêm tốn", DKRA Việt Nam lý giải.

Thanh khoản condotel phức tạp

Dữ liệu của DKRA cho hay, thanh khoản căn hộ condotel trong tháng 5 cao nhất trong vòng 5 tháng qua dù đợt dịch mới diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, trong tháng 5/2021, thị trường condotel ghi nhận một dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 516 căn, gấp 2 lần so với tháng trước, tỷ lệ tiêu thụ đạt 89% (khoảng 461 căn), gấp 5,4 lần so với tháng 4/2021.

Lý giải diễn biến tăng tốc giữa mùa dịch của thị trường căn hộ condotel, DKRA cho rằng, do đây là tài sản giá vốn thấp hơn so với nhà phố, biệt thự và shophouse biển, cộng thêm dự án mới tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thủ phủ du lịch ngắn ngày có cự ly gần với TP.HCM nên sức mua nhỉnh hơn các phân khúc còn lại.

Tuy nhiên, với sản lượng tiêu thụ 461 căn condotel trong tháng qua cho thấy quy mô thị trường này vẫn còn bị bó hẹp, khác xa với thời hoàng kim của condotel, thời mà tỉnh thành nào cũng có sản phẩm mới với thanh khoản cao.

>>> Tham khảo thêm: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam tăng nhiệt trở lại

Đơn vị này dự báo diễn biến bất động sản nghỉ dưỡng trong những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào biến số Covid-19. Nếu kiểm soát dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng vaccine được thực hiện tốt có thể từng bước tạo đà phục hồi cho thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giới đầu tư có thể vẫn chịu áp lực tâm lý thận trọng hoặc chờ đợi thêm khi cân nhắc mua bất động sản nghỉ dưỡng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng thị trường condotel gặp khó xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng, khiến hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Chính sách của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng nói chung liên quan đến loại hình căn hộ du lịch chưa có thay đổi gì đáng kể. Đặc biệt, vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.

"Chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch", ông Đính nói.

Văn phòng thay đổi theo hướng linh hoạt

Về thị trường văn phòng cho thuê, Savills Việt Nam cho hay, sau những tác động của đại dịch Covid-19, văn phòng truyền thống vẫn được xem là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp, tuy nhiên xu hướng văn phòng chú trọng hơn vào tính linh hoạt.

Thực tế cho thấy làm việc tại nhà tạo ra ảnh hưởng lớn tới văn hoá doanh nghiệp, đặc biệt khi cơ hội tương tác trực tiếp trong nội bộ doanh nghiệp bị hạn chế hoặc hầu như không có.

Việc quay trở lại làm việc tại văn phòng có thể thoả mãn nhu cầu được nhận biết, mang lại cho họ cảm giác thuộc về cộng đồng, từ đó nhận thức rõ hơn vai trò của bản thân, dù cho là đối với cá nhân hay đối với doanh nghiệp.

Do đó, văn phòng được thiết kế với không gian linh hoạt có thể mang tới nhiều giá trị cho doanh nghiệp, thậm chí đáp ứng những thách thức trong việc gắn kết văn phòng thực tế và nền tảng kỹ thuật số cho nhân viên.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ: “Từ tháng 3 năm ngoái, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, do đó, xu hướng văn phòng đã có những thay đổi khá rõ rệt. Nhu cầu về thiết kế văn phòng đã bắt đầu thay đổi theo hướng linh hoạt, doanh nghiệp trở nên chú trọng hơn tới việc tích hợp các tiện ích như phòng họp với công năng đa dạng, các phòng đào tạo, khu vực nghỉ trưa và khu vực thư giãn nhằm tăng tương tác nội bộ và đảm bảo sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất của nhân viên.”

Cũng theo Savills, đối với mô hình văn phòng kiểu mới, doanh nghiệp cần cân nhắc về ba khía cạnh chính. Thứ nhất là tính linh hoạt và làm thế nào để có thể mang lại giải pháp không gian phù hợp. Thứ hai là quản lý tốt các hoạt động tại văn phòng, đặc biệt khi quay trở lại làm việc sau dịch, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mọi nhân viên đều cảm thấy an toàn tại nơi làm việc và được trang bị mọi thiết bị thiết yếu, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của họ. Yếu tố cuối cùng là rủi ro: rủi ro đối với việc tái thiết lập văn hoá doanh nghiệp, cân bằng vừa văn hoá hiện hữu và văn hoá làm việc linh hoạt.

(Nguồn: Sưu Tầm)

Bình luận
  • Quảng cáo phải tin tức
Thiết kế © 2021 bdsphuquoc.net.vn
0902266769
Google Ads: Google Tag Manager: