- Tin Tức Phú Quốc
Xây dựng đề án riêng cho Phú Quốc
Cập Nhật: 2/5/2024 | 3:24:57 PM
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ xây dựng một đề án, làm cơ sở để triển khai thực hiện phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn
Sáng 31-3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.
Chuyển mình ngoạn mục
Trước năm 2004, nền kinh tế của đảo Phú Quốc chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Hạ tầng cơ sở thiếu thốn, giao thông khó khăn và du lịch còn nhỏ lẻ. Năm 2004, Quyết định 178/2004/QĐ-TTg được ban hành đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Phú Quốc.
Kể từ đó, Phú Quốc đã chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng. Các tập đoàn lớn đầu tư vào xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút du khách trong và ngoài nước. Số lượng du khách đến Phú Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, đa dạng hóa thị trường du lịch...
Sau gần 20 năm thực hiện, từ một huyện đảo chỉ có cảnh đẹp hoang sơ và dân cư thưa thớt, Phú Quốc vươn lên đô thị loại II và là thành phố đảo trực thuộc tỉnh đầu tiên trong nước. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, khẳng định "công thức" mang đến sự phát triển của Phú Quốc trong gần 20 năm qua là sự kết hợp của các yếu tố: Tầm nhìn, chủ trương, quy hoạch, hạ tầng khung và cơ chế chính sách đột phá, nhà đầu tư chiến lược, sự đồng thuận của nhân dân, phân cấp, phân quyền.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cùng các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các giải pháp tiếp tục thúc đẩy Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, Phú Quốc cần có cơ chế như đặc khu. Đại diện cho các doanh nghiệp tại Phú Quốc, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, khi có cơ chế đặc biệt dành cho Phú Quốc thì "đảo ngọc" sẽ thoát khỏi "chiếc áo" chính quyền đô thị cấp huyện đang mặc để phát triển bứt phá.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thống nhất với quan điểm của các đại biểu, cho rằng trước nhất là cần thống nhất xây dựng một đề án thí điểm chính quyền đô thị đầu tiên tại Phú Quốc. "Để bảo đảm được chính quyền đô thị thì chúng ta phải tập trung cao độ, toàn tâm toàn ý để thúc đẩy nhanh cho tốc độ đô thị hóa của Phú Quốc để trở thành đô thị loại 1…" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gợi mở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Phú Quốc tại hội nghị
Cả nước vì Phú Quốc
Phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá sau 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc có "6 điểm hơn", gồm: Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hơn để thúc đẩy phát triển; tiềm lực được tăng cường hơn, dư địa phát triển ngày càng lớn hơn; sự quan tâm trong nước, quốc tế dành nhiều hơn; uy tín, vị thế được củng cố vững chắc hơn; hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn, đóng góp cho thu ngân sách và đời sống nhân dân được tăng cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm; đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững; tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp...
Nhấn mạnh phát triển Phú Quốc không phải là "nhiệm vụ riêng" của Phú Quốc, Kiên Giang, mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần "Cả nước vì Phú Quốc và Phú Quốc vì cả nước", Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới phải quyết tâm xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, là nơi đáng sống, đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc; thực hiện nghiêm các quy hoạch, phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ghi nhận ý kiến các đại biểu cho rằng Phú Quốc có tiềm năng và lợi thế vượt trội nên cần phải có thể chế vượt trội, phải có cơ chế đặc thù để "đảo ngọc" bứt phá, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trên cơ sở hội nghị, Chính phủ sẽ xây dựng một đề án, ban hành văn bản phù hợp để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển Phú Quốc với "6 đẩy mạnh", gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống lịch sử văn hóa của Phú Quốc và của vùng ĐBSCL gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương để Phú Quốc, Kiên Giang phát triển theo mục tiêu được Đảng, Nhà nước đã xác định, nhân dân đang mong đợi.
- Tin tức khác